Tóm tắt kết quả chính: 430/ 453 (95%) cư dân bị cách ly vì đi chung thang máy, ở cùng tầng F0, đến cửa hàng có F0 xuất hiện, đều không nhiễm covid trong giai đoạn cách ly. Số còn lại đang chờ xác nhận (vì chưa đủ ngày). Như vậy, rủi ro lây nhiễm chéo trong nội bộ các tòa nhà của khu đô thị qua việc đi chung thang máy, sống chung tầng với F0 là cực kỳ thấp.
Báo cáo này nhằm:
1- Tìm hiểu hiện trạng về lây nhiễm Covid tại khu đô thị này.
2- Cụ thể trả lời câu hỏi: mức độ lây nhiềm nội khu như ở cùng tầng, đi cùng thang máy, tiếp xúc F0 như thế nào?
3- Từ kết quả phân tích số liệu đề xuất các giải pháp phòng tránh và chung sống với covid cho cư dân ở khu đô thị
Bối cảnh
1- Cư dân ở khu đô thị khá tự giác 5K, cụ thể như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, tránh tụ tập đông người từ đầu tháng 6.2021
2- Các khu vực sinh hoạt chung, hồ bơi, phòng gym, công viên, khu thể thao đã đóng cửa theo chỉ thị 15, 16, của Chính phủ từ khá lâu.
Phương pháp phân tích số liệu:
1. Chúng tôi sử dụng phương pháp phân tích nội dung (content analysis) để phân tích dữ liệu. Cụ thể, 38 báo cáo của BQL được tập hợp lại, hiệu chỉnh, mã hóa và chuẩn hóa.
2. Để đưa ra nhận định về việc 1 cư dân tiếp xúc F0, F1, đi chung thang máy, hay ở chung tầng có lây nhiễm không, chúng tôi truy xét dữ liệu cách ly của từng cư dân có trong báo cáo. Ví dụ: Anh A ở căn hộ C, cùng tầng với F0, Anh và các cư dân cùng tầng bị cách ly 14 ngày. Chúng tôi xem xét báo cáo của các ngày sau đó để đi đến nhận định về tình hình lây nhiễm. Giả thuyết: nếu anh A bị nhiễm, thì 1) sẽ có báo cáo cập nhật thay đổi tình trạng của Anh A trên báo cáo của BQL từ “chung tầng với F0” sang “test nhanh/ PCR dương tính”, 2) Anh A sẽ bị gia tăng cách ly tại nhà hoặc chuyển đi cách ly tập trung. Ngược lại nếu sau đó Anh A không xuất hiện trong các báo cáo nữa, nghĩa là Anh A không mắc và được hủy bỏ cách ly.
3. Phương pháp này cho cái nhìn tổng quan về tình hình lây nhiễm, nhưng có thể có sai số khi BQL không nhập liệu và báo cáo chính xác tình hình của các cư dân. Tuy nhiên khả năng này, được đánh giá là nhỏ, vì: 1) các báo cáo của BQL được thực hiện định kỳ, khá đầy đủ thông tin, 2) số lượng các trường hợp ghi nhận trong giai đoạn 6-8.2021 không lớn, 3) quá trình xử lý số liệu không cho thấy có các sai sót mang tính hệ thống về dữ liệu của BQL (kiểm tra chéo).