Năng lực con người (human skill) bao gồm những kiến thức và kỹ năng làm việc với con người (kể cả chính bản thân mình). Đây là năng lực giúp cho nhà lãnh đạo làm việc hiệu quả hơn với những người xung quanh và người quản lý đạt được các mục tiêu của tổ chức. Năng lực con người không chỉ đơn thuần là kỹ năng giao tiếp (mặc dù giao tiếp là một phần rất quan trọng); nó còn bao hàm khả năng tự nhận thức và phát triển bản thân, quản lý stress, và sống lành mạnh.
Năng lực con người – Thinking School
Sau khi tham khảo nhiều khung năng lực của các tổ chức và lý thuyết về năng lực con người, Thinking School đề xuất nhóm 6 kỹ năng cần có dưới đây:
Lập kế hoạch và triển khai
Lập kế hoạch và triển khai là kỹ năng giúp bản thân quản lý thời gian, công cụ, và tài nguyên để đạt được mục tiêu để ra. Kỹ năng này giúp chúng ta hình dung được những gì cần làm từng bước một và là kỹ năng quan trọng ở mọi vị trí trong tổ chức.
Một câu nói nổi tiếng về tầm quan trọng của kỹ năng này: ‘Failing to plan is planning to fail’. Trong con mắt của công ty, tổ chức, và các nhà tuyển dụng, kỹ năng này thường được phát biểu dưới các từ khóa sau đây:
- Quản lý thời gian và tài nguyên hiệu quả
- Quan tâm, để ý đến chi tiết
- Hoàn thành dự án đúng tiến độ và trong ngân sách
- Linh hoạt và phản ứng nhanh trong các tình huống
Để lên kế hoạch tốt, một nguyên tắc thường xuyên được áp dụng đó là S.M.A.R.T. Để biết thêm về S.M.A.R.T, tham khảo clip này.
Để triển khai kế hoạch đề ra đòi hỏi chúng ta cần học nguyên tắc ưu tiên, kỹ năng lưu trữ số liệu, quản lý thời gian, nghiên cứu.
Nhận thức và phát triển bản thân
Nghiên cứu cho thấy chúng ta càng nhận thức rõ bản thân thì sự tự tin và sáng tạo sẽ càng cao. Đồng thời, chúng ta sẽ ra những quyết định sáng suốt hơn, có những mối quan hệ vững mạnh hơn, và giao tiếp rõ ràng hơn. Từ đó, chúng ta có một kế hoạch phát triển bản thân cụ thể hơn và có động lực để tiến hành kế hoạch đó.
Một nghiên cứu của Tiến sĩ Eurich xuất bản trên tạp trí Harvard Business Review cho chúng ta một cái nhìn rõ hơn về kỹ năng tự nhận thức. Tiến sĩ Eurich nói rằng có 2 loại tự nhận thức: nhận thức bên trong và nhận thức bên ngoài.
Nhận thức bên trong (internal self-awareness) trả lời những câu hỏi sau:
- tôi là ai trong con mắt của tôi?
- những giá trị nào với tôi là quan trọng?
- tôi có những chuẩn mực nào?
- tôi có đam mê gì? tôi muốn gì?
Nhận thức bên ngoài (external self-awareness) trả lời những câu hỏi tương tự như trên nhưng dưới con mắt những người xung quanh. Cụ thể:
- tôi là ai trong con mắt của người khác
- tôi thể hiện những giá trị nào với những người xung quanh
- tôi có những chuẩn mực nào với những người xung quanh
- tôi muốn gì? thích gì? cần gì? với những người xung quanh
Mới nhìn qua, nhiều người sẽ nghĩ 2 loại tự nhận thức này là một và có mối quan hệ tương hỗ. Nhưng nghiên cứu cho thấy hoàn toàn không có sự liên hệ nào giữa 2 loại tự nhận thức này. Do đó, 2 loại tự nhận thức này sẽ hình thành 4 nhóm hành vi
Giao tiếp hiệu quả và thuyết phục
Ngày nay, chúng ta đang gặp những vấn đề sau trong giao tiếp
- quá nhiều thông tin
- thông tin không được thể hiện phù hợp
- thông tin thiếu ý nghĩa, không tập trung vào ý chính
- thông điệp phụ thuộc quá nhiều vào mối quan hệ giữa người gửi và người nhận
Để giải quyết các vấn đề trên, Whetten và Cameron đề xuất 8 nguyên tắc giao tiếp hiệu quả:
- Truyền đạt thành thật suy nghĩ và cảm xúc qua lời nói
- Mô tả chứ không đánh giá
- Tập trung vào vấn đề không tập trung vào con người
- Đón nhận ý kiến không loại bỏ ý kiến
- Cụ thể không mơ hồ, chung chung
- Giao tiếp liền mạch tránh ngắt quãng
- Chịu trách nhiệm những gì mình nói không lảng tránh
- Lắng nghe chứ không giả vờ nghe
Hợp tác và kết nối
Kỹ năng hợp tác và kết nối đảm bảo 2 bên làm việc tốt với nhau. Trong môi trường làm việc hiện nay, kỹ năng này là vô cùng quan trọng đòi hỏi sự thấu hiểu các góc nhìn khác nhau, quản lý sự ưu tiên của các thành viên, và đạt được kỳ vọng của các bên liên quan.
Hợp tác và kết nối nghe có vẻ đơn giản. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đây là một thách thức với tất cả mọi người. Kỹ năng này đòi hỏi:
- Trao đổi cởi mở không giữ thông tin
- Cùng nhau hướng tới các mục tiêu chung và các phương thức để hoàn thành dự án và công việc
- Ghi nhận đóng góp và tuyên dương cá nhân khi cần thiết
- Đặt mục tiêu của nhóm lên trên các kế hoạch cá nhân
Quản lý mâu thuẫn
Điều đầu tiên cần khẳng định đó là mâu thuẫn không tốt cũng không xấu. Mâu thuẫn là một việc đương nhiên xảy ra khi các bên làm việc với nhau (như lực ma sát vậy). Do đó, mâu thuẫn cần được quản lý chứ không cần triệt tiêu. Harvard Business Review có một hướng dẫn quản lý mâu thuẫn với những nội dung cơ bản dưới đây.
Quy tắc đầu tiên của quản lý mâu thuẫn là nhận ra được 4 sự lựa chọn khi mâu thuẫn xảy ra:
- Chạy: nghỉ việc, chuyển phòng, chia tay … tất cả mọi thứ miễn sao tránh được mâu thuẫn
- Không làm gì cả: để mâu thuẫn tồn tại và chấp nhận những gì mâu thuẫn đem đến
- Cầu cứu: nhờ bên thứ 3 giải quyết hộ mâu thuẫn
- Đối đầu: tự giải quyết mâu thuẫn bằng lời nói, hành động cụ thể
Khi đối đầu với mâu thuẫn, chúng ta cần chú ý đến 4 yếu tố sau
- Tính kiên định của 2 bên
- Sự hợp tác của 2 bên
- Tầm quan trọng của mối quan hệ giữa 2 bên
- Tầm quan trọng của vấn đề
4 yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến xu hướng đương đầu với mâu thuẫn của cả 2 bên. Cụ thể:
Nhận biết được xu hướng giải quyết mâu thuẫn sẽ hiểu được mục đích, quan điểm, và kết quả thường gặp của với xu hướng đó.
Quản lý stress và sống lành mạnh
Ai trong chúng ta cũng đã từng nghe đến stress và trải qua những giai đoạn bị stress. Nếu không nhận diện sớm để giải tỏa stress, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần là tất yếu với các triệu chứng như: đau mỏi, mất năng lượng, mất ngủ, mệt mỏi, cảm giác bất an…
Thinkingschool.vn